Phát triển rừng bền vững...
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận là Công ty có vốn 100% nhà nước được hợp nhất thành công từ 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (cũ) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hàm Tân theo Quyết định số 3616/QĐ-UBND tỉnh Bình Thuận...
Hiện Công ty được giao quản lý hơn 18.000 ha đất rừng và đất phi nông nghiệp. Những năm gần đây Công ty đã hoàn thành nhiệm vụ SXKD và dịch vụ lâm nghiệp, kinh doanh có lãi và thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với nhà nước, nâng cao đời sống CBCNV.
Bước sang năm 2016, năm đầu tiên hoạt động theo mô hình hợp nhất, Công ty đã vươn lên mạnh mẽ, tạo sự đột phá trong việc điều hành kinh doanh và sản xuất đáp ứng trong xu thế hội nhập mới.
Theo đó, với chiến lược tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo định hướng của Bộ NN-PTNT, hiện Công ty đang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, để có cơ sở khoa học và thực tiễn, đảm bảo về kinh tế, xã hội và môi trường, tiến tới cấp chứng chỉ rừng. Từ đó, tổ chức kinh doanh tổng hợp, phát huy hết tiềm năng và lợi thế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tăng chuỗi giá trị gỗ rừng trồng có FSC lên 15-20%.
“Thông qua việc thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, đồng thời với việc duy trì công tác Kaizen 5S (cải tiến liên tục), nên nhận thức của hầu hết CBCNV Công ty đã được nâng lên rõ rệt, từ đó hình thành kỹ năng hành động, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần xây dựng chỉ tiêu phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị ngày càng hiệu quả hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, TGĐ Công ty cho biết, đến nay Công ty đã lập xong phương án quản lý rừng bền vững. Bước tiếp đến Công ty sẽ xây dựng quy trình khai thác, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí FSC của hệ thống quản lý tương ứng, đồng thời thực hiện quản lý hiệu quả của doanh nghiệp. Sau đó, Công ty mời tổ chức GFA (CHLB Đức) thực hiện các đánh giá độc lập để cấp chứng chỉ rừng bền vững sắp tới.
Nâng cao chuỗi giá trị lâm sản
Song song với việc phát triển rừng bền vững, Công ty còn đặt mục tiêu ứng dụng công nghệ trong khai thác, chế biến gỗ tiên tiến để tận dụng lâm sản với giá thành thấp, chất lượng cao, đưa sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để tạo vòng tròn khép kín từ khâu gieo tạo cây giống đến trồng rừng, khai thác và chế biến sâu gỗ rừng trồng, hiện Công ty đầu tư nâng cấp 2 vườn ươm tại XN Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, chuyển mô hình từ giâm hom qua cấy mô. Đồng thời, ngoài 2 XN chế biến gỗ tại Phan Thiết, Công ty dự kiến sẽ xây dựng thêm nhà máy chế biến gỗ ghép thanh tại thôn Phước Tiến, xã Tân Phước, TX La Gi để nâng cao chuỗi giá trị lâm sản.
Công ty cũng ấp ủ một dự định trong nhiều năm nay, là đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ có công suất 100.000 m3/năm trên diện tích khoảng 70.000 m2, trong đó phân xưởng cưa xẻ, sấy gỗ, ván ghép thanh 20.000 m2, phân xưởng băm dăm gỗ 25.000m2, kho sản phẩm 2.000 m2, phân xưởng ván nhân tạo 20.000 m2…
Tổng vốn đầu tư 240 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2016-2017, Công ty sẽ xây dựng phân xưởng cưa xẻ, sấy gỗ ván ghép thanh, băm dăm gỗ và giai đoạn 2 từ năm 2018-2020 sẽ xây dựng phân xưởng ván nhân tạo.
Cũng theo ông Dũng, chế biến gỗ được xác định là hoạt động trọng tâm trong quá trình phát triển hiện nay của Công ty theo đề án 118 được Chính phủ và tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Hiện sản phẩm chủ lực của Công ty thuộc phân khúc nhóm tủ bếp, hàng gia dụng, đồ dùng văn phòng.
Công ty đang có định hướng sản xuất thêm các phân khúc bàn ghế học sinh, sản phẩm dành cho người có thu nhập thấp…và dần chuyển một bộ phận sang hoạt động xuất khẩu để nâng cao chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm hàng mộc.
Ông Dũng cho biết, Công ty xác định trồng rừng là nhiệm vụ hàng đầu nên luôn chủ động đề ra những chính sách, giải pháp để bảo vệ quỹ đất, nâng cao tỷ lệ sử dụng đất xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, Công ty còn kết hợp đưa giống mới cây cấy mô, áp dụng các biện pháp thâm canh chăm sóc rừng, chú trọng chuyển hóa một phần diện tích sang trồng cây gỗ lớn, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật và chuyên môn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng....
Bạn có quan tâm
Cũ hơn